Câu chuyện về xe lôi.
Xưa kia, từ đầu thế kỷ 20 người dân ở ĐBSCL vẫn chỉ biết tới xuồng, ghe đi lại trên sông nước là phương tiện giao thông phổ biến nhất. Sau đó, xuất hiện xe kéo bánh gỗ và đến khoảng năm 1930 thì xe lôi đạp xuất hiện. Nó là sự kết hợp giữa xe đạp và thùng xe kéo. Phía trước là xe đạp, phía sau là cái thùng của xe kéo. Vì tính tiện dụng của nó mà ngay từ khi xuất hiện, loại xe này đã lập tức phổ biến rộng rãi ở khắp vùng Tây Nam bộ. Một chiếc xe lôi có thể chở được từ 4-6 người.
Khắp các ngả đường từ thành thị đến những nông thôn ở các tỉnh Đồng Tháp, Long An, An Giang, Cần Thơ... đều có chiếc xe lôi quen thuộc. Nó tồn tại bình dị như cuộc sống ở nơi đây, thay thế cho ghe xuồng. Xe lôi chở học sinh tới trường, chở các chị ra chợ, chở những thùng trái cây tươi rói, và nhiều xe chuyên chở cả cuộc sống của một gia đình.
Sau này, khi xe gắn máy bắt đầu phổ biến thì xe lôi cũng lập tức thay đổi, các bác tài bỏ xe đạp, thay gắn vào thùng là chiếc xe máy 2 bánh. Phổ biến và thịnh hành nhất phải kể đến Honda 67, thùng xe được trang bị thêm mui để che mưa nắng. Xe lôi đã từng là phương tiện vận chuyển chính mang nét văn hoá địa phương trong một thời kỳ.