Mekong Silt Ecolodge

Phong Điền phát triển du lịch gắn với văn hóa bản địa

Được mệnh danh là vành đai xanh của TP Cần Thơ, huyện Phong Điền nổi tiếng là vùng đất có nhiều vườn cây ăn trái, điểm vườn du lịch, trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư.

Với vị trí cách trung tâm TP Cần Thơ khoảng 16km và được quy hoạch trở thành đô thị sinh thái, Phong Điền đang phát triển mạnh các loại hình du lịch, trong đó có loại hình mới: nghỉ dưỡng miệt vườn.

Phong Điền phát triển du lịch gắn với văn hóa bản địa - Ảnh 1.

Thuyền phòng ở Mekong Silt Ecolodge.

Trong suốt 2 năm bị tác động bởi dịch COVID-19, nhiều điểm du lịch trên địa bàn Cần Thơ đã đóng cửa, du lịch Phong Điền vẫn đón một làn sóng đầu tư nhằm tạo điểm nhấn mới khi du lịch tái khởi động. Đó là sự xuất hiện của những điểm đến chất lượng, mang lại luồng gió mới về các sản phẩm du lịch ở địa phương. Một trong những điểm đến thường được du khách nhắc đến gần đây là Mekong Silt Ecolodge (xã Mỹ Khánh). Tọa lạc bên dòng Rạch Chuối, Mekong Silt Ecolodge được bao phủ xung quanh bằng vườn cây, mang đến cảm giác rất thanh bình. Nét nổi bật của Mekong Silt Ecolodge chính là thiết kế theo phong cách thuần tự nhiên, đậm chất văn hóa miền sông nước. Theo đó, cây dâu - loại cây đặc sản của Phong Điền, được chủ Mekong Silt Ecolodge lựa chọn để làm vật liệu chính trang trí cho khu nghỉ dưỡng. Để sử dụng cây dâu, phải tốn khá nhiều thời gian trong việc tìm và xử lý trước khi đưa vào xây dựng, với ít nhất từ 4-6 tháng. Thêm vào đó, lá dừa nước, khăn rằn, mo cau… được sử dụng để trang trí nội thất. Bà Huỳnh Thị Bích Tuyền, chủ khu nghỉ dưỡng Mekong Silt Ecolodge, nói: “Bản thân tôi lớn lên từ làng quê Nam Bộ, đã quen với những cảnh ruộng lúa, xuồng ghe tấp nập. Do đó, tôi luôn trăn trở và mong muốn có thể xây dựng một khu làng quê có thể làm sống lại ký ức xưa. Qua đó, tôi cũng muốn du khách có những trải nghiệm và biết được nét đẹp của làng quê miền Tây”.

Mekong Silt Ecolodge được xây dựng trong 2 năm và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 6-2021. Tổng diện tích của Mekong Silt Ecolodge là 15ha, trong đó có 7ha dành riêng cho khu nghỉ dưỡng, phần còn là khu trải nghiệm với mô hình làng quê thu nhỏ. Khu nghỉ dưỡng có 22 căn phòng, mỗi căn phòng đều được thiết kế riêng như mỗi ngôi nhà ở làng quê, nằm theo con rạch được đào sâu vào khu nghỉ dưỡng. Tên của mỗi loại phòng được đặt theo tên loài cá đặc trưng ở vùng ĐBSCL, mà ví dụ điển hình là cá lia thia. Đây cũng là cách mà chủ cơ sở muốn giới thiệu đến du khách những đặc trưng văn hóa miền sông nước. Trong đó, nét độc đáo chính là thuyền phòng. Bà Huỳnh Thị Bích Tuyền cho biết: “Hồi nhỏ tôi cũng thường theo ông bà đi ghe mua bán nên rất hiểu cảm giác thương hồ ra sao. Do đó, tôi cũng muốn làm sản phẩm để du khách có thể trải nghiệm cảm giác này”. Thuyền phòng được nghiên cứu từ các ghe ở chợ nổi Cái Răng và Phong Điền, sau đó được cải tiến để đảm bảo an toàn. Đối với khu làng quê thu nhỏ hiện đang được xây dựng, trong đó sẽ những cánh đồng lúa, nhà xưa, phiên chợ quê, khu trải nghiệm các trò chơi dân gian… Ngoài ra, Mekong Silt Ecolodge còn liên kết hơn 40ha vườn trái cây từ các hộ xung quanh. Ông Lý Nhật Trường, quản lý Mekong Silt Ecolodge, cho biết: “Chúng tôi cũng liên kết với người dân xung quanh mục tiêu là hỗ trợ nhau tiêu thụ sản phẩm. Người dân thì có đầu ra ổn định về cây trái, còn chúng tôi cũng có thêm dịch vụ để du khách có thể trải nghiệm”.  

Phong Điền phát triển du lịch gắn với văn hóa bản địa - Ảnh 2.

Mekong Silt Ecolodge.

Follow Us